Ưu và nhược điểm của máy lọc nước RO
Cơ chế hoạt động
Máy lọc nước RO (thẩm thấu ngược – Reverse Osmosis) là công nghệ lọc nước hàng đầu hiện nay. Không giống hệ thống lọc hóa học hoặc sử dụng carbon với một số vật liệu nhất định nhằm giữ lại chất gây ô nhiễm trong nước, công nghệ thẩm thấu ngược sẽ đẩy nước qua vật liệu lọc siêu nhỏ.
Màng lọc bán thấm này có kích thước lỗ khoảng 0,0001 micron, chỉ cho phép các phân tử nước nhỏ đi qua một cách hiệu quả và giữ lại bất kỳ phân tử nào lớn hơn của chất gây ô nhiễm, vật liệu hữu cơ hoặc thậm chí là muối. Đây cũng là lý do lọc RO ban đầu được sử dụng để khử muối trong nước biển và lọc các chất gây ô nhiễm hóa học cao như kim loại nặng trong Hải quân Mỹ.
Nước lọc không cần lưu trữ, có thể uống trực tiếp
Theo Fobes, các hệ thống lọc thẩm thấu ngược dân dụng cũng có thể loại bỏ 99% chì, amiăng và 82 chất gây ô nhiễm bổ sung khác. Nhờ vậy, với nước lọc qua máy RO, người dùng có thể uống trực tiếp mà không cần đun sôi như các khuyến cáo trước đây. Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) cũng cho rằng nước lọc qua máy RO an toàn và thân thiện với môi trường hơn các loại nước tinh khiết đóng chai, đặc biệt trong chai nhựa vốn rất khó bị phân hủy sau khi sử dụng.
Nước lọc qua máy RO cũng được một số đầu bếp đánh giá cho hương vị nấu ăn ngon hơn do không còn sự hiện diện của khoáng chất, bao gồm cả florua được bổ sung trong hệ thống nước sạch của các thành phố lớn. Nước cũng hay được sử dụng cho các bể cá, thủy sinh trong nhà.
Không như các công nghệ lọc khác, lọc RO sử dụng áp suất rất lớn để hoạt động. Ví dụ, nước lợ, nước mặn cần 200-400 psi để đẩy nước qua màng thẩm thấu ngược và loại bỏ muối. Áp lực nước thông thường tại các hộ gia đình hiện khoảng 40-45 psi. Với áp lực nước cao khi hoạt động, nước chảy ra vòi trực tiếp không cần sử dụng bình chứa. Tùy dòng máy, tốc độ nước sạch lấy được khoảng 1-3 lít mỗi phút.
Mất khoáng chất, giảm độ pH
Tuy nhiên, do các lỗ siêu nhỏ trên bộ màng lọc thẩm thấu, quá trình này không chỉ loại bỏ chất gây ô nhiễm mà còn có thể giữ lại cả các chất hòa tan trong nước. Điều này cũng khiến công nghệ có nhược điểm là làm mất đi các chất có lợi trong nước. Trong đó, có các khoáng chất tốt cho sức khỏe như canxi, magiê, kali và các bicacbonat khác, cũng như chất florua được bổ sung rất tốt cho răng.
Ngoài ra, do cơ chế loại bỏ khoáng chất, độ pH trong nước qua xử lý sẽ giảm, khiến nước có nhiều tính axit hơn. Dù độ axit này không đủ lớn để ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nước có độ pH thấp có thể ảnh hưởng tới đường ống nước do nguyên lý phản ứng khiến tách chì và đồng khỏi đường ống.
Một nhược điểm khác của hệ thống lọc RO là làm lãng phí khá nhiều nước. Ví dụ, với mỗi một lít nước sạch được lọc, máy sẽ thải ra một lượng nước gần tương tự. Các loại lọc cao cấp hơn chỉ giúp làm giảm bớt tỷ lệ nước thải nhưng con số này vẫn lớn hơn nhiều so với các công nghệ lọc khác.
Sử dụng thực tế
Theo chuyên gia điện gia dụng Nguyễn Tiến Minh, nước lọc từ RO đúng là làm mất chất khoáng trong nước. Đây là lý do khi nhiều người sử dụng bút thử TDS cho thấy nước lọc RO đều có TDS chỉ khoảng trên dưới 10. Tuy nhiên, nhược điểm này không đáng sợ nếu người dùng có một chế độ ăn uống hợp lý. Lý do là bởi khoáng chất thiếu hụt trong nước RO như canxi có thể dễ dàng bù đắp từ thực phẩm hàng ngày như sữa, trái cây hay rau quả.
Ông Minh cũng dẫn nghiên cứu của Viện y học Mỹ là mỗi người nên nạp vào cơ thể khoảng 3 lít chất lỏng mỗi ngày bao gồm từ việc ăn và uống. Trong đó, nước từ thực phẩm chiếm khoảng một phần năm. Nếu người dùng uống đủ hai lít nước, cơ thể có thể nhận được 10-15% nhu cầu canxi hàng ngày và một phần ba lượng magiê cần thiết. Nếu uống nước lọc RO, người dùng không nhất thiết phải tăng lượng ăn vào hoa quả, rau củ hay sữa mà chỉ cần duy trì các thực phẩm này với chế độ dinh dưỡng thông thường. Với florua, người dùng cũng dễ dàng bổ sung khi có trong hầu hết các loại kem đánh răng ngày nay.